Ngon miệng và bổ dưỡng với thực đơn chứa tam thất
Tam thất là rễ khô của cây Sâm tam thất, có tên khoa học là Panax notogingseng (Burk.).F.H.Chen.) thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Ở nước ta, tam thất được trồng số ít ở Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn. Tam thất được biết đến như một vị thuốc chữa các bệnh liên quan đến “huyết”, ngoài ra, còn là một thứ gia vị khiến món ăn hàng ngày thêm thơm ngon, bổ dưỡng.
Tam thất là một vị thuốc vô cùng quen thuộc trong các bài thuốc Đông phương, có ngọt hơi đắng, tính ôn (ấm). Quy vào các kinh can và thận.
Tam thất có tác dụng tán các cục máu đông, giảm chảy máu, giảm đau, và tư bổ cường tráng. Do đó, được dùng trong điều trị các trường hợp: xuất huyết dưới da, ho ra máu, tiểu máu, rong kinh, rong huyết, suy nhược cơ thể,… Bên cạnh đó, tam thất cũng được sử dụng trong các món ăn hàng ngày, tăng thêm vị ngon cho bữa cơm gia đình, đồng thời góp phần chữa trị một số bệnh cho người dùng. Và dưới đây là một số món ăn có mặt vị dược liệu tam thất.
1. Gà hầm tam thất
CÔNG THỨC: Gà mái hoặc gà ác: 1 con, Tam thất: 20 gam, Gia vị vừa đủ
CHẾ BIẾN: Gà làm sach, tam thất tán bột cho vào bụng gà, hầm cách thủy cho chín, thêm gia vị vừa ăn. CÔNG DỤNG: Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, khí huyết hư, ăn kém mệt mỏi, da tái nhợt thiếu máu.

2. Rượu hầm tam thất ngó sen trứng gà
CÔNG THỨC: Tam thất: 3g, Nước ép ngó sen: 200ml, Rượu nhạt: 150ml, Trứng gà: 1 quả.
CHẾ BIẾN: Tam thất tán mịn, đập bỏ vỏ trứng, trộn nước ép ngó sen và rượu, đun cách thủy cho chín.
CÔNG DỤNG: Dùng cho trường hợp nôn ra máu, ho ra máu, tiểu máu, xuất huyết dạ dày.

3. Gà hầm tam thất quế chi
CÔNG THỨC: Gà ác: 1 con, Quế chi: 6g, Tiểu hồi: 6g, Bột tam thất: 3g
CHẾ BIẾN: Gà làm sạch, chặt miếng, nấu với quế chi, tiểu hồi cho chín nhừ, thêm gia vị. Ăn gà, uống canh cùng với bột tam thất.
CÔNG DỤNG: Dùng cho các bệnh nhân viêm tử cung phần phụ.

CHÚ Ý: tuyệt đối không dùng cho phụ nữ có thai.